Thu kinh phí công đoàn trong doanh nghiệp ngoài nhà nước khó khăn và giải pháp
Thứ tư - 28/08/2019 16:53
Công tác tài chính công đoàn là điều kiện đảm bảo cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh; việc thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo nguồn lực tài chính cho mọi hoạt động của tổ chức công đoàn.
Theo Nghị định 191/2013/NĐ-CP, ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn, đối tượng đóng kinh phí công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở. Mức đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Theo quy định, tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật đều thuộc đối tượng bắt buộc đóng kinh phí công đoàn. Luật Công đoàn năm 2012 đã quy định rõ, mức đóng kinh phí công đoàn được quy định là 2% quỹ tiền lương - mức lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động và định kỳ hàng tháng, doanh nghiệp phải đóng cho công đoàn cấp trên cơ sở. Công đoàn cấp trên cơ sở sẽ trích lại cho công đoàn cơ sở 69% kinh phí để hoạt động và giữ lại 31%. Đối với các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, khoản 69% kinh phí trên sẽ được công đoàn cấp trên cơ sở giữ lại và trả lại cho doanh nghiệp cho đến khi doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn.
Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp thực hiện tốt việc đóng kinh phí công đoàn như: Công ty TNHH số 10 Lai Châu, Công ty Cổ phần Bê Tông, Công ty TNHH Thùy Linh, Công ty TNHH MTV Thanh Tuyền, Công ty TNHH Tiến Thành Lai Châu…
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác thu kinh phí công đoàn, nhất là thu ở doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ thất thu còn ở mức cao; một số doanh nghiệp mặc dù đã được các cấp công đoàn tuyên truyền, đôn đốc nhiều lần nhưng vẫn không nộp hoặc chậm nộp, nộp không đủ 2% kinh phí công đoàn theo quy định như: Công ty Tân Phúc Tiến, Công ty TNHH Hưng Thịnh, Công ty CP tư vấn đầu tư Xây dựng Tây Băc, Công ty TNHH Tân Đức....
Nguyên nhân một số doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh; nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, mang tính chất gia đình; có những doanh nghiệp chỉ có 3 đến 5 lao động, sản xuất, kinh doanh không ổn định; thậm chí có doanh nghiệp chỉ có tên, còn địa điểm và hoạt động sản xuất, kinh doanh không rõ ràng nên công đoàn rất khó khăn trong việc tiếp cận để tuyên truyền, vận động, đôn đốc nộp kinh phí công đoàn; một số chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi cho người lao động khi đơn vị thực hiện đóng kinh phí công đoàn; công tác tuyên truyền, vận động, đôn đốc của các cấp công đoàn.
Công nhân trực tiếp sản xuất tại Công ty Cổ phần Bê tông Lai Châu
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã được, kịp thời giải quyết những khó khăn trong việc thu kinh phí công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, góp phần chăm lo, bảo vệ tốt hơn cho người lao động, trong thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau: Một là, tăng cường tuyên truyền để cán bộ công đoàn cơ sở và chủ doanh nghiệp nắm vững những quy định của pháp luật, nhất là Luật Công đoàn, Nghị định 191/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định 88/2015/NĐ-CP … Hai là, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn đảm bảo đúng quy định. Ba là, Chủ động tham mưu với chính quyền cùng cấp thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, trong đó có lồng ghép nội dung kiểm tra Luật Công đoàn, Nghị định 191/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 07/CT-UBND, ngày 06/5/2013 của UBND tỉnh Lai Châu…
Tác giả bài viết: Phương Hiền - Ban Tài chính LĐLĐ tỉnh
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH LAI CHÂU Địa chỉ: Tổ 16, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu Điện thoại: (0213) 3792.111 - Fax: (0213) 3877.530