Nhắc đến dịch Covid-19, nhiều người sẽ không thể quên được những tác động của dịch tới mọi mặt đời sống xã hội. Với người làm kinh doanh như chị Nguyễn Thị Loan - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường thì càng thấu hiểu rõ điều này. Hưởng ứng Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19”, chị Loan đã đề xuất “Giải pháp ứng dụng công nghệ nâng cao năng suất chất lượng trong quá trình đấu trộn, đóng gói các sản phẩm chè”.
Đoàn viên công đoàn huyện Phong Thổ đăng ký sáng kiến trên phần mềm trực tuyến.
Sáng kiến này sử dụng hoàn toàn máy móc, thiết bị và hệ thống tự động trong quá trình đấu trộn, cân, đóng gói và khâu bao chè thành phẩm để thay thế sức lao động phổ thông như trước. Từ đó giảm chi phí công lao động phổ thông 100 đồng/1kg sản phẩm. Với 700 tấn chè, công ty thực hiện đấu trộn theo sáng kiến đã tiết kiệm được 350 triệu đồng. Không những vậy, công suất làm việc tăng 150% so với trước khi thực hiện sáng kiến. 100% sản phẩm xuất khẩu đảm bảo chất lượng, không có khách hàng khiếu nại. Điều quan trọng là sáng kiến có khả năng nhân rộng và áp dụng tại các cơ sở sản xuất chế biến chè trên địa bàn toàn tỉnh.
Nhiều năm công tác trong ngành thú y, anh Phạm Anh Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh mới đây cũng mạnh dạn đưa ra sáng kiến “Hướng dẫn một số biện pháp phát hiện, chăm sóc và xử lý bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò”. Sáng kiến nhanh chóng được đánh giá cao và đưa vào triển khai rộng rãi trong toàn tỉnh bởi giúp lực lượng thú y cơ sở và người dân kịp thời phát hiện, triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Khi áp dụng sáng kiến đã điều trị khỏi cho 108/114 con gia súc bị bệnh, tiết kiệm được khoảng 728 triệu đồng tiền hỗ trợ 108 con gia súc chết do mắc bệnh. Giảm thiệt hại về kinh tế cho bà con số tiền 1.944 triệu đồng nếu gia súc chết, đồng thời làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, ổn định tình hình chăn nuôi trong tỉnh.
Được biết, ngoài 2 sáng kiến trên, đoàn viên công đoàn trong tỉnh còn có rất nhiều những sáng kiến hay, mang tính ứng dụng cao. Có thể kể đến các sáng kiến: “Dụng cụ đo chiều dài bề mặt vật thể” của đoàn viên Hà Hữu Thăng (Trường THCS Tân Phong, thành phố Lai Châu); “Giải pháp phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện Phong Thổ gắn với kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2021-2025” của đoàn viên Vũ Hữu Lưỡng (Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phong Thổ)… Các sáng kiến được hình thành trong chính quá trình lao động sản xuất, thiết thực hưởng ứng Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19”.
Triển khai quyết liệt, bài bản
Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam khởi xướng, nhằm phát huy tinh thần thi đua vượt khó, sáng tạo trong đông đảo đoàn viên công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, lao động (CCVCLĐ) và các cấp công đoàn. Thông qua chương trình, quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chiến thắng dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định đời sống, sức khỏe Nhân dân.
Cán bộ Công đoàn Viên chức tỉnh hướng dẫn đoàn viên công đoàn cơ sở đăng ký tham gia Chương trình 1 triệu sáng kiến.
Cụ thể hóa chương trình này, từ đầu năm đến nay, LĐLĐ tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện. Mục tiêu phấn đấu có tổng số 2.300 sáng kiến trở lên. Trong đó, giai đoạn 1 (từ 1/1/2022 - 5/2022) phấn đấu có 1.200 sáng kiến. Giai đoạn 2 (từ 1/6/2022 - 9/2023), phấn đấu 1.100 sáng kiến.
Đồng chí Nguyễn Thị Thiện – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Để chương trình sớm đi vào cuộc sống, chúng tôi chỉ đạo quyết liệt LĐLĐ các huyện, thành phố, các công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức tỉnh trong quá trình triển khai. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện; đưa nội dung thực hiện chương trình vào chỉ tiêu đánh giá thi đua năm 2022-2023 của cấp các cấp công đoàn và coi đây là chỉ tiêu quan trọng trong xét thi đua khen thưởng của từng cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, LĐLĐ tỉnh phát động “Chiến dịch cao điểm 40 ngày” với mục tiêu thi đua hoàn thành chỉ tiêu có 1.200 sáng kiến ở giai đoạn 1”.
Nhờ đó, chương trình thu hút đông đảo đoàn viên, CCVCLĐ tham gia và đã hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 1 trước 20 ngày. Tính đến 24 giờ ngày 31/5/2022 kết thúc giai đoạn 1, toàn tỉnh đã có 1.775 sáng kiến của các đoàn viên, CCVCLĐ tham gia dự thi được đăng tải trên hệ thống phần mềm Cổng trực tuyến Công đoàn Việt Nam (đạt 148% chỉ tiêu giai đoạn 1). Nội dung các sáng kiến tập trung về lĩnh vực: giáo dục đào tạo (1.136 sáng kiến), y tế (92 sáng kiến), nông nghiệp và phát triển nông thôn (75 sáng kiến), 472 sáng kiến còn lại thuộc là giải pháp quản lý, điều hành công việc, các thủ tục hành chính, hoạt động công đoàn, thông tin, điện tử...
Thêm cơ hội phát huy sức sáng tạo
Theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ các huyện: Than Uyên, Nậm Nhùn, Công đoàn Viên chức tỉnh là những đơn vị có số lượng sáng kiến tham gia dự thi nhiều nhất. Trong đó, Công đoàn Viên chức, Công đoàn ngành Y tế, LĐLĐ thành phố, nhiều sáng kiến có giá trị làm lợi cao.
Với LĐLĐ huyện Phong Thổ dù thuộc vùng biên giới song cũng đạt được những kết quả tích cực. Trên 95% CĐCS, trên 10% đoàn viên, CCVCLĐ trong toàn huyện tham gia, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong đoàn viên, CCVCLĐ. Đồng chí Vân Văn Kiều - Chủ tịch LĐLĐ huyện Phong Thổ khẳng định, trong giai đoạn 1, toàn huyện có 155 sáng kiến tham gia dự thi (đạt 115% kế hoạch). Chương trình thực sự là cơ hội để đoàn viên, CCVCLĐ phát huy sức sáng tạo. Thực tế cho thấy, nhiều sáng kiến có ý tưởng rất sáng tạo, giàu ý nghĩa thực tiễn, đem lại hiệu quả cao. Ban Thường vụ LĐLĐ huyện đã tiến hành bình xét, lựa chọn được 3 tập thể có sáng kiến tiêu biểu đề nghị khen thưởng nhân dịp Tháng Công nhân năm 2022.
Bên cạnh những kết quả tích cực tỉnh ta đã đạt được, hiện nay việc triển khai thực hiện chương trình 1 triệu sáng kiến giai đoạn 2 vẫn còn một số khó khăn. Bởi các sáng kiến cập nhập chủ yếu từ khối viên chức ngành giáo dục và đơn vị hành chính sự nghiệp; các sáng kiến thuộc khối các doanh nghiệp còn hạn chế… Do đó, để chương trình mang lại hiệu quả cao hơn nữa, thời gian tới LĐLĐ tỉnh tiếp tục tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình; những mô hình mới, cách làm sáng tạo, các câu chuyện về sáng kiến, sáng kiến tiêu biểu gắn với việc tuyên truyền về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thành lập các tổ hỗ trợ sáng kiến đến tận cơ sở trực tiếp hỗ trợ hướng dẫn đoàn viên, CCVCLĐ thực hiện. Xây dựng sự ủng hộ, đồng thuận, phát huy hiệu quả trong công tác phối hợp, tạo điều kiện của thủ trưởng cơ quan, đơn vị và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp cho chương trình…
Tác giả bài viết: Thanh Hoa - Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn