TÁC PHẨM “CẢI TIẾN VIỆC QUẢN LÝ XÍ NGHIỆP” CỦA BÁC HỒ – NHỮNG GIÁ TRỊ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ SẢN XUẤT HIỆN NAY
Thứ tư - 09/10/2024 20:59
1. Quan điểm của Bác về công tác quản lý xí nghiệp Cải tiến việc quản lý xí nghiệp là một bài viết của Bác với bút danh là Trần Lực, được đăng trên báo Nhân dân số 1669, ngày 8-10-1956. Từ đó đến nay đã gần 68 năm, nhưng những tư tưởng của Người đối với sự phát triển của công nghiệp, công tác cải tiến đổi mới, xây dựng phát triển công ty, xí nghiệp, các đơn vị sản xuất vẫn còn giữ nguyên giá trị định hướng dẫn dắt hoạt động quản lý của các doanh nghiệp hiện nay. Tác phẩm được viết vào thời điểm đất nước vừa đánh đuổi được đế quốc Pháp ra khỏi đất nước, khi ấy ở miền Bắc bắt đầu quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo những tiềm lực về kinh tế để là hậu phương vững chắc cho miền Nam chống địch. Nước ta có xuất phát điểm nước nông nghiệp nghèo cần phải cải tiến công tác quản lý sản xuất trong nông nghiệp cũng như trong nhà máy xí nghiệp. Theo Bác muốn phát triển được thì phải phát triển công nghiệp. Muốn cải tiến quản lý xí nghiệp thì phải bắt đầu bằng việc thay đổi nhận thức của con người, phải tăng cường việc giáo dục chính trị và nâng cao tư tưởng của cán bộ và công nhân. Giáo dục bồi dưỡng cho họ về tư tưởng của giai cấp công nhân: để đấu tranh chống lại tư tưởng của giai cấp đối lập, giai cấp tư sản; bồi dưỡng cho công nhân chủ nghĩa tập thể - chống chủ nghĩa cá nhân; “Bồi dưỡng quan điểm lao động (lao động trí óc và lao động chân tay phải kết hợp chặt chẽ) chống quan điểm xem khinh lao động chân tay. Nâng cao tinh thần làm chủ xí nghiệp và làm chủ nước nhà của công nhân và cán bộ, nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính tích cực của mọi người.”[1]Bác cũng nói rõ rằng phải cải tiến theo cách: “Để quản lý tốt xí nghiệp, thì phải thực hiện ba điều: Tất cả cán bộ lãnh đạo phải thật sự tham gia lao động chân tay. Tất cả công nhân phải tham gia công việc quản lý các tổ sản xuất, dưới sự lãnh đạo của cán bộ các phân xưởng. Sửa đổi những chế độ và quy tắc không hợp lý.[2] Theo Bác đó là mối quan hệ giúp cho xí nghiệp phát triển “cán bộ chỉ làm việc quản lý, không tham gia lao động sản xuất, cho nên xa rời công việc thực tế, xa rời quần chúng công nhân. Do đó mà sinh ra bệnh chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh. Công nhân thì chỉ sản xuất mà không tham gia quản lý, do đó mà kém tinh thần trách nhiệm và kỷ luật, không phát huy được sáng kiến. Cán bộ tham gia lao động và công nhân tham gia quản lý thì sẽ sửa chữa được những khuyết điểm ấy; công nhân và cán bộ sẽ đoàn kết thành một khối, mọi người đều là đồng chí với nhau, đều ra sức phấn đấu làm cho xí nghiệp ngày càng tiến lên.”[3]
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy diêm Thống Nhất (năm 1956)
Mối quan hệ giữa cán bộ và công nhân được Bác phân tích luận giải chặt chẽ, dễ hiểu, việc xa rời thực tế sẽ khiến cho những người cán bộ sẽ bị mắc bệnh, đó là bệnh chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh; mặt khác lực lượng công nhân nếu chỉ biết làm không biết, không tham gia quản lý thì tinh thần trách nhiệm, ý thức luật sẽ hạn chế. Mối quan hệ giữa cán bộ và công nhân sẽ bền chặt khi họ hiểu công việc của nhau, thâm nhập vào công việc của nhau. Người cán bộ phải luôn bám sát tình hình bằng cách: trực tiếp tham gia lao động thì càng gần gũi và hiểu biết công nhân hơn, nhìn thấy và giải quyết các vấn đề được nhanh chóng hơn, như: Cán bộ trong ban lãnh đạo mỗi tuần cần phải cùng công nhân lao động một ngày hoặc ngày rưỡi. Các cán bộ khác (cán bộ kỹ thuật, các trưởng phòng...) thì nửa ngày làm việc chuyên môn, nửa ngày lao động cùng công nhân. Vậy để giải quyết thắc mắc của cán bộ, người lãnh đạo phải làm gì? Bác chỉ ra rằng “người lãnh đạo có quyết tâm và làm gương mẫu, xung phong lao động. Kết quả chứng tỏ rằng cán bộ nửa ngày lao động, nửa ngày làm việc chuyên môn, công việc chẳng những không bê trễ, mà còn trôi chảy hơn; công nhân chẳng những không mỉa mai cán bộ, mà lại thân mật hơn với cán bộ. Do đó, cán bộ thấy rõ rằng: tự mình phải tham gia sản xuất mới lãnh đạo tốt sản xuất”[4]. Cách đặt câu hỏi rồi dẫn dắt để trả lời để giải quyết thắc mắc của công nhân: Phải chăng công nhân tham gia quản lý, công việc của xí nghiệp sẽ lộn xộn? Công nhân tham gia quản lý sẽ gặp những khó khăn gì và có thể giải quyết thế nào? “Trong xí nghiệp xã hội chủ nghĩa, công nhân là người chủ, công nhân có trách nhiệm tham gia quản lý cho tốt. Công nhân tham gia quản lý sẽ làm cho cơ quan quản lý khỏi kềnh càng, bớt giấy tờ bề bộn, bớt chế độ phiền phức, v.v. và sản xuất nhất định sẽ nhiều, nhanh, tốt, rẻ.”[5] Không chỉ làm tốt công tác quản lý ở xí ngiệp, muốn thực sự vững mạnh và phát triển, muốn đẩy mạnh trong cải tiến quản lý ở các đơn vị sản xuất. Theo Bác: Cán bộ chính trị đều ra sức học kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật đều ra sức học chính trị, họ quyết tâm trở nên những cán bộ thật “hồng và chuyên”. Giai cấp công nhân Việt Nam, là lực lượng “dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân. Với lý luận cách mạng tiên phong và kinh nghiệm của phong trào vô sản quốc tế, giai cấp công nhân đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam”[6] Lời Bác nói với lực lượng công nhân đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đó cũng chính là bài học mà mỗi đảng viên cần phải tự khắc ghi rèn luyện. Trong bất cứ công việc gì, trải qua lao động thực tế mới hiểu thấu để thực hiện. Đây cũng là chủ trương rèn luyện cán bộ, vì Bác yêu cầu cán bộ, đảng viên “Phải làm gương mẫu trong lao động, sản xuất và trong học tập”[7]; “Phải xung phong gương mẫu trong mọi công việc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”[8]; “Phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân”[9]. Ở môi trường nào cũng vậy, Bác luôn nhấn mạnh quan điểm nêu gương: người đứng đầu trong đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng phải gương mẫu trong học tập, lao động, phải rèn luyện các phẩm chất đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm chính. 2. Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý sản xuất và thực hiện lời dạy của Bác trong quản lý phát triển sản xuất Hiện nay, trong thực tế không ít cán bộ chỉ nói không làm, mà theo Bác muốn lãnh đạo được thì phải hiểu được việc mình đang lãnh đạo thông qua việc tham gia trực tiếp vào quá trình lao động. Nếu cứ lo sợ rằng suốt ngày quản lý mà còn lúng túng, nay phải tham gia lao động nửa ngày thì sợ lúng túng hơn nữa. Lao động sản xuất không thạo, sợ công nhân cười, rồi lãnh đạo công nhân không được. Học hỏi công nhân thì sợ xấu hổ. Một số cán bộ kỹ thuật ngại rằng tham gia lao động thì nghiệp vụ của mình sẽ bị bê trễ; hoặc sợ bận, sợ mệt nhọc... Sợ công nhân không biết quản lý ... Còn công nhân thắc mắc: sợ trách nhiệm, sợ mất lòng, sợ công nhân khác không nghe lời. Sợ ảnh hưởng đến công tác, do đó mà ảnh hưởng đến lương bổng của mình. Bác phê bình cách nhận thức chưa đầy đủ, cán bộ lãnh đạo và công nhân chưa tôn trọng công việc của nhau, chưa hiểu nhau thì sẽ thiếu niềm tin ở nhau sẽ dẫn đến công việc không thành công. Do đó cần phải xây dựng mối quan hệ gần gũi thân thiện giữa cán bộ lãnh đạo, quản lý với công nhân tức là xây dựng bầu không khí làm việc tôn trọng, cởi mở sẽ tạo thành động lực giúp cho xí nghiệp phát triển toàn diện. Nếu cán bộ có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, nếu không ngại khó, không ngại khổ, nếu nỗ lực học hỏi, rèn luyện bản thân, sẵn sàng tham gia các hoạt động lao động và kiên quyết vượt qua những khó khăn thì nhất định sẽ giành được thắng lợi. Tại Đại hội XIII, Đảng ta xác định "Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu"[10]. Tất yếu trong quá trình phát triển sản xuất vật chất, do lực lượng sản xuất phát triển đòi hỏi quan hệ sản xuất phải thay đổi điều chỉnh theo. Thay đổi từ thói quen trong sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang lao động sản xuất trong tập thể đơn vị xí nghiệp với những công đoạn trong quy trình sản xuất và những mối quan hệ người bình đẳng giữa công nhân với công nhân; công nhân với lãnh đạo quản lý trong tập thể, xí nghiệp đòi hỏi mỗi cán bộ, công nhân phải thay đổi thói quen, phải ra sức học tập lẫn nhau để cùng tiến bộ, cùng phát triển xí nghiệp. “Hiện nay, tổng số công nhân, người lao động trong cả nước có khoảng trên 16 triệu người, có mặt ở tất cả các thành phần kinh tế, các ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Công nhân, người lao động nước ta có xu hướng trẻ hóa, lao động dưới 30 tuổi chiếm trên 60%...công nhân, người lao động là lực lượng có khả năng sáng tạo trong sản xuất và đời sống xã hội, thích ứng nhanh với cơ chế mới và tiếp cận nhanh với khoa học tiên tiến, công nghệ hiện đại, có vai trò quan trọng quyết định tốc độ phát triển của nền kinh tế.[11]. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm chú trọng xây dựng môi trường xã hội, giải phóng lực lượng sản xuất, tạo mọi điều kiện để công nhân, người lao động phát huy hết khả năng của mình trong lao động, học tập, cống hiến; quan tâm tổ chức, chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế dân chủ để phát huy quyền làm chủ trực tiếp của công nhân thuộc mọi thành phần kinh tế và quyền dân chủ đại diện của người lao động thông qua tổ chức công đoàn… Nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về sự cần thiết phải tạo ra môi trường đào luyện đội ngũ công nhân để bảo đảm đời sống cho công nhân đồng thời bồi dưỡng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện, quy định ưu đãi những người có trình độ cao, có tài năng thực sự tạo động lực khuyến khích họ cống hiến năng lực, trí tuệ cho đất nước. Năm 2011, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 09- NQ/TW ngày 09/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong đó đã đề ra nhiệm vụ “đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa”. “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước”[12]. Vừa qua, tại Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng nêu rõ nhiệm vụ tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng: “Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ, thực chất giữa doanh nghiệp và người lao động, đẩy mạnh ký kết thoả ước lao động tập thể, giải quyết hài hoà lợi ích doanh nghiệp và người lao động; định kỳ tổ chức đối thoại, hội nghị người lao động trong doanh nghiệp” Bác quan niệm cải tiến quản lý xí nghiệp là một cuộc cải tạo chính trị và tư tưởng rộng khắp và sâu sắc trong cán bộ và công nhân. Trong việc này, sự lãnh đạo của Đảng cần phải chặt chẽ và toàn diện; đảng viên và đoàn viên thanh niên phải làm gương mẫu, làm đầu tàu. “Khi tư tưởng được giải phóng, giác ngộ được nâng cao, cán bộ và công nhân sẽ đoàn kết chặt chẽ, tự giác tự động khắc phục mọi khó khăn, phát huy mọi sáng kiến, xí nghiệp sẽ được quản lý tốt, sản xuất nhất định sẽ tăng gia, kế hoạch Nhà nước nhất định sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức.”[13] Có cải tiến nâng cao chất lượng quản lý, sản xuất mới phát triển được kinh tế, mới nâng cao được đời sống của nhân dân. Bác cũng đã từng nhấn mạnh cần đẩy mạnh sản xuất hàng hóa theo phương châm “Nhiều – Nhanh – Tốt – Rẻ”. Cần phải sản xuất hàng tốt, hàng chất lượng cao, nó không những tạo ra uy tín mà còn làm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Trái lại, làm ra hàng xấu, hàng kém chất lượng, nó không chỉ gây tổn hại cho doanh nghiệp, mà còn gây tác hại lớn cho cả Nhà nước và người tiêu dùng. Vì thế hiện nay trong quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Việt đang phải chịu những tác động rất lớn của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh phát triển công tác cải tiến quản lý càng phải được coi trọng; xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân chủ, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngày nay, trong sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, những yêu cầu đổi mới trong sản xuất, kinh doanh trên các phương diện. Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nước ta vẫn đang phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường; thúc đẩy phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam để xây dựng chủ trương, đường lối; xây dựng môi trường làm việc văn hóa, thể hiện mối quan hệ ứng xử hài hòa dân chủ, cởi mở sẽ là một trong những động lực quan trọng để công nhân Việt Nam và các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam vươn xa ra thị trường quốc tế. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 120 2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới 3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 11, tr536 4. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr,407 5. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2011, tâp.13, tr.107 6. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 201, t.14, tr.110
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 539
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH LAI CHÂU Địa chỉ: Tổ 16, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu Điện thoại: (0213) 3792.111 - Fax: (0213) 3877.530