Quân đội với công tác xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ ba - 08/10/2024 05:00
       Sinh thời, Hồ Chí Minh chỉ rõ, xóa đói giảm nghèo là: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người giàu thì giàu thêm” [1]. Thấm nhuần tư tưởng đó, Đảng và Nhà nước ta xác định rõ, xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Phát huy vai trò đội quân công tác, những năm qua, Quân đội ta luôn quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác, tích cực giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đạt hiệu quả thiết thực. 
anh tin bai

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 cấp con giống cho các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn để phát triển kinh tế,
xoá đói giảm nghèo.

          Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, nhận rõ đặc điểm của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xóa đói, giảm nghèo, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, trực tiếp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Người chỉ có một ham muốn tột bậc “là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” [2]. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước giành được độc lập, tự do, nước ta có chính quyền cách mạng, Hồ Chí Minh cho rằng phải làm cho nhân dân thấy rõ ý nghĩa, giá trị đích thực của nền độc lập, tự do ấy, tức là người dân phải được ăn no, mặc ấm, được học hành, đời sống vật chất và tinh thần ngày một nâng lên. Người nhấn mạnh: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” [3]. Mục đích cao nhất của sự nghiệp cách mạng nước ta là vì nhân dân, nên không có lý do nào biện hộ cho cảnh người dân phải sống trong đói nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc. Tư tưởng cốt lõi của Hồ Chí Minh là kiên định mục tiêu “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, hoàn toàn xa lạ, trái ngược với đói nghèo - đói nghèo không thể tồn tại đồng hành cùng với chủ nghĩa xã hội, nhất định phải từng bước xóa bỏ. Quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội nhiệm vụ quan trọng nhất là xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, đây là đòi hỏi khách quan, tự thân của quá trình này. Hồ Chí Minh quan niệm chủ nghĩa xã hội nghĩa là “làm sao cho dân giàu, nước mạnh”, “tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng” [4].

      Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới nạn đói của nhân dân ta đang hứng chịu, Người chỉ rõ, đói nghèo cũng là một loại “giặc” cần phải đánh đổ, xóa bỏ. Vì vậy, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó nhiệm vụ thứ nhất lúc bấy giờ mà Người nhận thức rõ là “nhân dân đang đói”, “Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói vì chính sách độc ác của bọn Pháp, Nhật… Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống” [5]. Người kêu gọi toàn dân đoàn kết, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, giúp đỡ những người nghèo vượt qua khó khăn, vượt qua nạn đói do chế độ thực dân, phong kiến để lại. Người đề nghị với Chính phủ: “phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo” [6]. Người đã kêu gọi toàn dân bằng nhiều biện pháp, cách thức khác nhau thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, như: tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, nhường cơm sẻ áo, quyên góp gạo cứu đói…

       Trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Hồ Chí Minh chủ trương đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, phục vụ trực tiếp công cuộc kháng chiến, đồng thời cũng là để thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân. Người yêu cầu “Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” [7].

Để thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo, Hồ Chí Minh cho rằng phải tiến hành cùng một lúc trên nhiều lĩnh vực, nhiều công việc, trước tiên là lĩnh vực vật chất. Người căn dặn chính quyền các cấp, các đoàn thể cách mạng, mọi người dân trước mắt phải ủng hộ, giúp đỡ những người nghèo về vật chất. Bởi, theo Người “Dân dĩ thực vi thiên”, nghĩa là dân lấy ăn làm trời, nếu không có ăn là không có trời. Đồng thời, Người nhấn mạnh: “Có thực mới vực được đạo”, nghĩa là không có ăn thì chẳng làm được việc gì cả” [8]. Giúp người nghèo về vật chất, đồng thời phải giúp họ về văn hóa tinh thần, ăn no, mặc ấm bao giờ cũng gắn với đời sống tinh thần của nhân dân ngày một nâng lên. Theo Người, nếu chỉ xóa đói, giảm nghèo về vật chất, mà không xóa đói, giảm nghèo về văn hóa tinh thần sẽ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tái nghèo, và cuộc sống người dân không được trọn vẹn, như vậy công tác xóa đói, giảm nghèo không thành công.

      Với nhãn quan chính trị sâu sắc, tầm nhìn chiến lược của một nhà cách mạng luôn hết mực yêu thương nhân dân, tin tưởng và nâng niu nhân dân. Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc tìm ra phương hướng và cách thức tối ưu để giải quyết đói nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Đây chính là nét độc đáo, giá trị chân chính đích thực trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xóa đói, giảm nghèo. Người cho rằng, cùng với quyên góp, giúp đỡ những người nghèo về vật chất, lương thực, thực phẩm thì điều cấp thiết hơn là phải hướng dẫn họ cách thức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, làm nhiều tiêu ít, làm chóng tiêu chậm. Người xác định, việc nhường cơm xẻ áo, giúp đỡ người nghèo là biện pháp mang tính tình thế, trước mắt, còn biện pháp cơ bản, lâu dài là hướng dẫn nhân dân cách thức sản xuất, trợ giúp vốn, kỹ thuật… để họ tự vươn lên thoát nghèo. Chỉ có phát triển sản xuất mới xóa đói, giảm nghèo một cách hiệu quả và bền vững, tóm lại là phải cho người nghèo “cái cần câu” và hướng dẫn họ “cách câu” còn hơn cho họ “con cá”.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ những thách thức, khó khăn của công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Người nói: “chúng ta còn phải tiếp tục kháng chiến chống một giặc khác, đó là giặc nghèo nàn, lạc hậu. Đấu tranh chống loại giặc này còn khó khăn hơn chống giặc Pháp, giặc Nhật trước kia nhiều” [9]. Do đó, phải xác định đây là công việc lâu dài, gian khổ, không chỉ nhiệm vụ riêng của bất cứ ngành nào, cấp nào, mà của cả hệ thống chính trị, của toàn dân. Hồ Chí Minh khẳng định: “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân” [10] để “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người giàu thì giàu thêm”. Bản thân người nghèo không có ý thức vươn lên thoát nghèo, sẽ không thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, nên “Cứ chờ Đảng và chờ Chính phủ giúp đỡ, thì không đúng đâu... Không nên ỷ lại mà phải tự lực cánh sinh” [11]. Mọi người phải không ngừng phấn đấu vươn lên vượt qua đói nghèo, làm giàu chính đáng cho bản thân, cho gia đình, cho đất nước, là việc làm thiết thực thể hiện lòng yêu nước, góp phần xây dựng quê hương giàu và đẹp. 

      Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, Quân đội luôn tích cực, chủ động, sáng tạo, nêu gương đi đầu trong phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo được triển khai sâu rộng trong toàn quân, từ các đơn vị chủ lực đến cơ quan quân sự địa phương, từ vùng đồng bằng, trung du đến các địa bàn xa xôi, biên giới, hải đảo. Các cơ quan, đơn vị quân đội đã có nhiều mô hình, biện pháp hiệu quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo, như đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ vốn, con giống, cây trồng cho đồng bào phát triển kinh tế gia đình, từng bước thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” biết áp dụng khoa học vào sản xuất từng bước cải thiện đời sống, như: “Hũ gạo vì người nghèo”, “Xóa hộ đói, giảm hộ nghèo”; “Gắn kết hộ người kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Mái ấm cho người nghèo biên giới”, “Nâng bước em đến trường-Con nuôi đồn biên phòng”, “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”; Hành trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, Phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”... 

     Trong đó, Quân đội với nhiều hoạt động thiết thực trong phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” trên các địa bàn đóng quân, như: Làm đường giao thông, các công trình thủy lợi, điện, đường, trường, trạm, nhà ở… từng bước chuyển giao kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho nhân dân. Quân đội luôn là lực lượng tiên phong trong phòng chống an ninh phi truyền thống, nhất là phòng chống thiên tai lụt, bão, sạt lở, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; chống di dân, định canh, định cư, giúp người dân khai hoang, mở rộng nương, rẫy, cải tạo ruộng đồng, chăn nuôi gia súc, hỗ trợ con giống, kỹ thuật sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân…góp phần quan trọng thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo trên các địa bàn chiến lược, nhất là ở nhũng vùng biên giới, nơi xa xôi, hẻo lánh. Các đơn vị Quân đội đã tích cực tham gia xây dựng, nâng cao đời sống tinh thần cho người nghèo, hộ nghèo, những địa phương còn nghèo, thông qua các hoạt động, như: Giáo dục, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, phòng, chống tệ nạn xã hội, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, ăn ở vệ sinh…góp phần thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững ở các địa phương, và là tấm gương điển hình, mẫu mực cho các lực lượng khác học tập và noi theo.

      Thực hiện nghiêm Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII, Chỉ thị số 87- CT/QUTW ngày 8 tháng 7 năm 2016 của Quân ủy Trung ương về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giữ gìn hình ảnh, phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, Quân đội cần có nhiều biện pháp thiết thực hơn nữa thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mỗi cán bộ, chiến sĩ, cũng như các tầng lớp nhân dân thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại” [12], “Điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng phù hợp với chiến lược, đề án về quốc phòng, an ninh, tạo sức mạnh tổng hợp giữ vững ổn định chính trị - xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc;…” [13].

Theo đó, các cơ quan, đơn vị của Quân đội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng, hoàn thiện quy hoạch chi tiết, kế hoạch thực hiện từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa bàn và từng khu kinh tế ­- quốc phòng. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch xây dựng dự án; huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đầu tư theo thứ tự ưu tiên, thực hiện đồng bộ việc xây dựng kết cấu hạ tầng kết hợp với bố trí lại dân cư, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; tiếp tục tham gia toàn diện các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo,… bằng các biện pháp phù hợp. Cùng với đó, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI), các kết luận, đề án, chương trình, kế hoạch của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng; là bộ phận quan trọng và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng của đất nước.

      Hơn nữa, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 22/2021/NĐ-CP quy định về Quân đội tiếp tục xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Ngày 19/3/2021. Mục tiêu là tiếp tục giúp dân xóa đói, giảm nghèo bền vững; củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược để hình thành thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, tạo vành đai vững chắc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

      Quán triệt chủ trương của Đảng, Nghị định của Chính phủ, các đơn vị quân đội, các đoàn kinh tế - quốc phòng, tiếp tục bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, tạo công ăn, việc làm cho người nghèo, hộ nghèo, có nhiều biện pháp sáng tạo, cách làm hay để thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, qua đó củng cố “thế trận lòng dân” ngay tại nơi đóng quân, trên các địa bàn chiến lược. Giáo dục nhân dân ý thức tự vươn lên xoá đói, giảm nghèo, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại, hướng dẫn người nghèo tận dụng cơ hội, đẩy mạnh sản xuất thoát nghèo một cách bền vững.

     Mới đây nhất là cơn bão số 3 - siêu bão Yagi đã gây ra thảm họa lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương ở miền Bắc. Quán triệt quan điểm của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, Bộ tư lệnh Quân khu 1, Quân khu 2, Quân khu 3 và Quân đoàn 12 đã điều động hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ (bộ đội và dân quân), hàng nghìn phương tiện phối hợp với các lực lượng tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên,…, hỗ trợ nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân, Biên phòng, Cảnh sát biển... cũng huy động tối đa lực lượng, phương tiện giúp kêu gọi tàu thuyền, di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn, cứu hộ cứu nạn đồng bào gặp nguy hiểm, ổn định đời sống nhân dân trên tất cả các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại bởi bão số 3. Đây chính là sự khẳng định “trong thiên tai, dịch bệnh, Quân đội luôn là điểm tựa vững chắc của đồng bào. Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân không bao giờ quên hình ảnh bộ đội, dân quân không quản hiểm nguy băng đèo, vượt suối đến với nhân dân những lúc nguy nan nhất”, góp phần quan trọng giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân, hơn nữa là hồi sinh cuộc sống của người dân vùng bão lũ, để lại trong lòng nhân dân hình ảnh người quân nhân cách mạng, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” vô cùng tốt đẹp, ngời sáng nét văn hoá đặc sắc cao đẹp, cao thượng thật đáng trân trọng, tự hào.

       Tóm lại, trong điều kiện mới, Quân đội với chức năng “đội quân công tác”, “đội quân lao động sản xuất” cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chung sức, đồng lòng giúp dân xóa đói, giảm nghèo; tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành trong thực hiện công tác giúp dân xóa đói, giảm nghèo; có chính sách khuyến khích cán bộ, chiến sĩ có năng lực, nhiệt tình về công tác tại vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Khuyến khích các doanh nghiệp Quân đội, các tổ chức, cá nhân giúp đỡ các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản nghèo, nhất là nơi địa bàn đóng quân; vận động các hộ khá giả giúp đỡ hộ nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình văn hóa, sáng kiến hay về giúp dân xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước mà Đảng ta đã đề ra: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.81

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 1, tr.28.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.64.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.78.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.16.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.7.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 9, tr.518

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 9, tr.518.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.613.

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.81

[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.310

[12] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập II, tr. 76.

[13] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập II, 

 

 


 

Tác giả bài viết: Nguồn bài viết: hochiminh.vn TS Đặng Công Thành, ThS Trịnh Tuấn Anh (Học viện Chính trị, BQP)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết mạng nội bộ
Videos - Phóng sự
Có thể bạn quan tâm
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập77
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm68
  • Hôm nay24,836
  • Tháng hiện tại94,512
  • Tổng lượt truy cập20,757,596
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH LAI CHÂU
Địa chỉ: Tổ 16, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu
Điện thoại: (0213) 3792.111 - Fax: (0213) 3877.530
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây