Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Hà Nội những ngày tiếp quản

Thứ ba - 08/10/2024 04:52
Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Hà Nội những ngày tiếp quản
Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Hà Nội những ngày tiếp quản


      Thủ đô Hà Nội – trái tim của cả nước có vinh dự và tự hào là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ tối cao của Đảng và Nhà nước, cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương gắn bó với thời gian dài nhất, đã để lại biết bao dấu ấn sâu sắc và kỷ niệm thiêng liêng.

      Ngay sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, từ tháng 8 và 9-1954, Chính phủ đã có nhiều phiên họp về thực thi Hiệp định, trong đó có nội dung tiếp quản Thủ đô. Biết trước được âm mưu của Pháp, ý thức rõ quy mô và tầm quan trọng của việc tiếp quản Hà Nội, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã cử các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô.

     Lường trước được những khó khăn, phức tạp khi tiếp quản Thủ đô, ngày 9-10-1954, với bút danh “C.B”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Giữ gìn trật tự an ninh” (Báo Nhân Dân, số 236) nêu tầm quan trọng và ý nghĩa của việc gìn giữ trật tự an ninh ở Thủ đô sau khi quân Pháp rút khỏi Hà Nội. Bài báo có đoạn: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức gìn giữ trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta trở thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Người kêu gọi mỗi người dân Thủ đô, bất kỳ thuộc tầng lớp nào, làm công việc gì đều phải góp phần vào công việc ổn định sinh hoạt đời sống.

anh tin bai

Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại đền Giếng, Đền Hùng, Phú Thọ, ngày 19-9-1954. Ảnh: tư liệu

      Dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra lệnh cho các đơn vị bộ đội đang tiến về giải phóng Thủ đô phải giữ vững trật tự, an ninh của thành phố, bảo vệ nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ đề ra, phải nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của kẻ địch. 

      Trên đường về tiếp quản Hà Nội, một số đại diện của Đại đoàn 308 được triệu tập tới gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Đền Hùng, Phú Thọ, ngày 19-9-1954. Bác đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ phải triệt để chấp hành 8 chính sách của Chính phủ, 10 điều kỷ luật trong quân đội, “không được xâm phạm đến cái kim sợi chỉ của dân”. Bác nhấn mạnh: "Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô có ý nghĩa chính trị rất quan trọng đối với nhân dân thế giới, đối với miền Nam và các nước dân chủ. Cho nên các cháu cần nhận rõ nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô: Tiếp quản phải thận trọng, chu đáo; tổ chức kỷ luật trong công tác và sinh hoạt phải nghiêm minh; giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân...". Cũng trong cuộc gặp gỡ, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 được nghe câu nói nổi tiếng của Bác: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. 

      Sáng ngày 10-10-1954, các đơn vị bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… do Ủy ban quân chính thành phố và Đại đoàn 308 đã chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân tiến vào giải phóng Thủ đô. Buổi chiều ngày 10-10-1954, quân dân Thủ đô dự lễ mừng chiến thắng tại sân Cột Cờ. Đồng chí Vương Thừa Vũ thay mặt Ủy ban Quân chính, đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân Hà Nội. Trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ bốn nhiệm vụ mới của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô để đồng tâm, nhất trí góp sức với Chính phủ vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: “làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui, phồn thịnh”. 

anh tin bai

Người dân hân hoan hướng về lá quốc kỳ tung bay trên Cột cờ Hà Nội trong ngày Thủ đô được giải phóng, ngày 10-10-1954. Ảnh: Tư liệu/TTXVN 

       Trong ngày đoàn quân về tiếp quản Thủ đô, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn ở phía sau và sáng ngày 11-10 mới vào thành nhưng ông vẫn liên lạc và nắm tình hình sát sao. Lúc đó là đã 8 năm kể từ thời khắc lịch sử ngày 19-12-1946 hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sĩ”, nhân dân Thủ đô lại được nô nức đón những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trở về giải phóng quê hương trong tư thế hiên ngang của những người đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Cuộc trùng phùng xúc động mà tự hào đã được người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp miêu tả: “Người từ hai bên đường đổ xô ra đặt vào tay các chiến sĩ những bó hoa tươi… Người Hà Nội không ngờ hầu hết cán bộ, chiến sĩ ta đều trẻ. Cái làm họ ngạc nhiên hơn là những người chiến sĩ nhỏ nhắn, hiền lành, giản dị này đã đánh thắng những tên lính Pháp cao lớn, dữ tợn, vũ trang đầy người, có cả máy bay, tàu chiến, xe tăng”. 

     Sáng ngày 11-10-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới về Hà Nội. Nơi đầu tiên ông tới thăm là Nhà máy điện Yên Phụ của những công nhân dũng cảm với chiến công phá máy làm tắt điện toàn thành phố để thay hiệu lệnh toàn quốc kháng chiến đêm ngày 19-12-1946. Nay, họ lại hòa vào phong trào đấu tranh mạnh mẽ của giai cấp công nhân Thủ đô để ngăn chặn chủ nhà máy tháo dỡ máy móc, thiết bị, bảo vệ nguồn cấp điện ổn định, phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân Thủ đô.

     Ngày 12-10-1954, Hội đồng Chính phủ họp phiên đầu tiên dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội đồng Chính phủ đã biểu dương thắng lợi của cuộc tiếp quản Thủ đô, khen ngợi lòng yêu nước của đồng bào, tinh thần kỷ luật của bộ đội, ý thức trách nhiệm của cán bộ trong công tác tiếp quản. Sự kiện đã đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa vô cùng to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. 

      70 năm trôi qua, với những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, được bạn bè thế giới ngợi ca và được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”; 3 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”. 

      Ôn lại những ký ức hào hùng không thể quên của những ngày tiếp quản, giải phóng Thủ đô để tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước, Thủ đô sẽ còn phát triển vững mạnh và bền vững hơn nữa.

 

 

Tác giả bài viết: Nguồn bài viết: qdnd.vn VŨ THỊ KIM YẾN (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết mạng nội bộ
Videos - Phóng sự
Có thể bạn quan tâm
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập114
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm112
  • Hôm nay17,475
  • Tháng hiện tại255,133
  • Tổng lượt truy cập21,328,508
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH LAI CHÂU
Địa chỉ: Tổ 16, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu
Điện thoại: (0213) 3792.111 - Fax: (0213) 3877.530
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây