Chức năng, nhiệm vụ của LĐLĐ tỉnh

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH
         1. Chức năng
         Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; Tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền nghĩa vụ của người lao động; Tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
         2. Nhiệm vụ
         a. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn và nghị quyết đại hội công đoàn tỉnh, thành phố; triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương.
         b. Đại diện, chăm lo và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trên địa bàn.
         - Tham gia với cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước tỉnh, thành phố về các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề có liên quan đến đời sống, việc làm và điều kiện làm việc của người lao động trên địa bàn; tổ chức phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động xã hội.
         - Nghiên cứu tham gia xây dựng pháp luật, các chế độ, chính sách lao động, tiền lương, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến người lao động; tham gia cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhân dân trong sạch, vững mạnh.
         c. Chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trong các đơn vị sử dụng lao động; hướng dẫn và chỉ đạo giải quyết tranh chấp lao động, tham gia điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp trên địa bàn.
         d. Chỉ đạo Liên đoàn lao động cấp huyện, công đoàn ngành địa phương, công đoàn các khu công nghiệp, công đoàn tổng công ty trực thuộc và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
         đ. Phối hợp hướng dẫn, chỉ đạo các công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn ngành trung ương và công đoàn cấp trên khác đóng trên địa bàn các hoạt động theo ngành, nghề; triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương.
         e. Vận động đoàn viên và người lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật, rèn luyện tác phong và kỹ năng nghề nghiệp; quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, các cơ sở văn hóa công nhân, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm và các trung tâm tư vấn - hỗ trợ người lao động của công đoàn theo quy định của Nhà nước và tổ chức Công đoàn.
         g. Thực hiện quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện chính sách đối với cán bộ được phân cấp quản lý; phối hợp với cấp ủy cấp huyện và tương đương trong việc sắp xếp, bố trí, đề bạt cán bộ theo phân cấp.
         h. Hướng dẫn, chỉ đạo đại hội, hội nghị công đoàn cấp dưới; phát triển đoàn viên, quản lý đoàn viên; đánh giá, xếp loại tổ chức công đoàn hằng năm theo hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.
       
i. Thực hiện công tác đối ngoại theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
         k. Quản lý và sử dụng tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế của công đoàn theo quy định của pháp luật Nhà nước.
         (Trích Điều 19 - Điều lệ Công đoàn Việt Nam thông qua ngày 24/9/2018 tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII)


CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CỦA VĂN PHÒNG VÀ CÁC BAN
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH
1. Văn phòng 
        Tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành, Ban Thường vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động Công đoàn các cấp; giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế làm việc và chương trình công tác. Là đầu mối phối hợp, điều hòa chương trình công tác của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Uỷ viên Ban Thường vụ để thực hiện quy chế làm việc và chương trình công tác của Ban Thường vụ. Quản lý, tiếp nhận, phát hành, lưu trữ văn bản, tài liệu đảm bảo theo quy định. Là trung tâm thông tin, tổng hợp phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh. Tham mưu quản lý, phân phối, sử dụng tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản của Công đoàn theo quy định của pháp luật. Trực tiếp quản lý tài sản, cơ sở vật chất phục vụ công tác, các hoạt động của Thường trực, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và cơ quan; đảm bảo an ninh trật tự, trị an trong cơ quan; tham mưu, đề xuất và triển khai các hoạt động đối ngoại. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tài chính các cấp công đoàn…

2. Ban Tổ chức -  Kiểm tra
        Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các đề án về tổ chức bộ máy, cán bộ công đoàn các cấp; việc xây dựng đội ngũ, chính sách cán bộ; chương trình, kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Điều lệ công đoàn Việt Nam, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ về công tác tổ chức, cán bộ, đào tạo cán bộ; tổ chức đại hội công đoàn các cấp; phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; cấp phát và hướng dẫn sử dụng thẻ đoàn viên. Tham mưu cho Ban Thường vụ quản lý tổ chức bộ máy, biên chế các ban, các cấp công đoàn và các đơn vị trực thuộc; quản lý cán bộ theo phân cấp. Tham mưu giúp Ủy ban kiểm tra Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật theo quy định Điều lệ Công đoàn Việt Nam và quy chế hoạt động của động của Ủy ban kiểm tra Liên đoàn Lao động tỉnh; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ tổ chức, kiểm tra, giám sát của công đoàn đối với công đoàn cùng cấp và cấp dưới….

3. Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động
          Tham mưu giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ tham gia, đề xuất với cơ quan Nhà nước các vấn đề về cơ chế quản lý kinh tế, xã hội, chính sách lao động, việc làm, tiền lương, tiền công, thu nhập, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhà ở và các chính sách xã hội có liên quan đến công nhân viên chức lao động; tham gia xây dựng pháp luật và văn bản pháp luật có liên quan đến  công nhân viên chức lao động. Theo dõi, hướng dẫn việc tổ chức và hoạt động hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Ban Thanh tra nhân dân. Hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của tổ chức Công đoàn theo quy định. Phối hợp kiểm tra, giám sát, theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước có liên quan đến công nhân viên chức lao động. Chỉ đạo công tác bảo hộ lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.. Hướng dẫn các hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, dạy nghề, giới thiệu việc làm, các hoạt động xã hội, chương trình phúc lợi, hoạt động xã hội từ thiện … của tổ chức Công đoàn.

4.  Ban Tuyên giáo và Nữ công
          Tham mưu giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, người lao động về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tổ chức công đoàn. Chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của công nhân viên chức lao động; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Giúp Ban Thường vụ chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động Cổng Thông tin điện tử công đoàn tỉnh và các trang facebook Công đoàn tỉnh và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Tham mưu, hướng dẫn các cấp công đoàn tuyên truyền, triển khai thực hiện phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; các hoạt động văn hóa, thể thao trong công nhân viên chức lao động. Tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn về công tác nữ công công đoàn; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với lao động nữ và trẻ em; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác nữ công…

 

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết mạng nội bộ
Videos - Phóng sự
Có thể bạn quan tâm
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH LAI CHÂU
Địa chỉ: Tổ 16, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu
Điện thoại: (0213) 3792.111 - Fax: (0213) 3877.530
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây