Lên phía trên
Điều kiện để doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
Câu hỏi:
Điều kiện để doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
Trả lời:
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ thực hiện các biện pháp hỗ trợ, trong đó có việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho doanh nghiệp và người lao động.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có hướng dẫn về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam và UBND các tỉnh thành.
Theo đó, người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi thuộc một trong các trường hợp: Tạm dừng sản xuất kinh doanh từ 1 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế; Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp trên, được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi có một trong các điều kiện:
Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất kinh doanh trở lên;
Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất);
Đã đóng đủ bảo hiểm xã hội đến hết tháng 1.2020 và bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên tại thời điểm có văn bản đề nghị so với thời điểm tháng 1.2020.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cách tính số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tính giảm bao gồm: Số lao động đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động mà thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng;
Số lao động đang nghỉ việc không hưởng tiền lương mà thời gian nghỉ việc không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng; số lao động đang ngừng việc mà thời gian ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tính từ tháng người sử dụng lao động có văn bản đề nghị nhưng không quá 12 tháng và thời gian được tạm dừng đóng được quyết định bởi cơ quan bảo hiểm xã hội xem xét, quyết định.
Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do cơ quan bảo hiểm xã hội xem xét, quyết định căn cứ trên văn bản đề nghị và hồ sơ nhận được từ người sử dụng lao động.
(Báo Lao động)
Lên phía trên
Chính sách hỗ trợ ngừng việc và hỗ trợ điều trị Covid, cách ly y tế
Câu hỏi:
Câu 1. Người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ ngừng việc tại Điều 17 của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg nếu phải điều trị do nhiễm COVID-19 (F0) hoặc cách ly y tế để phòng, chống COVID- 19 (F1) thì có được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn tại Chương VII của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Trả lời:
Trả lời: Người lao động được hưởng đồng thời cả 02 chính sách hỗ trợ ngừng việc và hỗ trợ điều trị Covid, cách ly y tế theo quy định tại Chương V và VII của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg nếu đáp ứng đủ điều kiện của từng chính sách hỗ trợ.

Chương V và VII của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg
Chương V

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG NGỪNG VIỆC
Điều 17. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ
Người lao động được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
1. Làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.
2. Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng trước liền kề tháng người lao động ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động.
Điều 18. Mức hỗ trợ và phương thức chi trả
1. Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người.
2. Người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.
3. Phương thức chi trả: Trả 01 lần cho người lao động.
Điều 19. Hồ sơ đề nghị
1. Bản sao văn bản yêu cầu cách ly của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.
2. Danh sách người lao động có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
3. Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh người lao động đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền đối với đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 18 Quyết định này.
Điều 20. Trình tự, thủ tục thực hiện
1. Người sử dụng lao động đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội. Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.
2. Người sử dụng lao động gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 19 Quyết định này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở chính. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 01 năm 2022.
3. Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
5. Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người sử dụng lao động thực hiện chi trả cho người lao động.
Chương VII
HỖ TRỢ ĐỐI VỚI TRẺ EM VÀ NGƯỜI ĐANG ĐIỀU TRỊ COVID-19, CÁCH LY Y TẾ

Điều 25. Đối tượng hỗ trợ
Trẻ em (người dưới 16 tuổi theo quy định của Luật Trẻ em) và người điều trị do nhiễm COVID-19 (F0) hoặc cách ly y tế để phòng, chống COVID- 19 (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 26. Mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ
1. Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với các trường hợp người điều trị nhiễm COVID-19 (F0), từ ngày 27 tháng 4 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày.
2. Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với các trường hợp người thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, từ ngày 27 tháng 4 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày.
3. Đối với trẻ em trong thời gian điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế:
a) Được hỗ trợ thêm một lần mức 1.000.000 đồng/trẻ em.
b) Ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí đối với các chi phí ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế và chi phí khám, chữa bệnh đối với trẻ em không có thẻ bảo hiểm y tế.
Điều 27. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện
1. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với các trường hợp F0 đang điều trị tại cơ sở y tế gồm:
a) Danh sách F0 đủ điều kiện hưởng chính sách theo Mẫu số 8a tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
b) Giấy ra viện điều trị do nhiễm COVID-19 của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
c) Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng sinh, giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế.
2. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với các trường hợp F1 đang thực hiện cách ly y tế tại cơ sở cách ly gồm:
a) Danh sách F1 đủ điều kiện hưởng chính sách theo Mẫu số 8a tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
b) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc cách ly y tế.
c) Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng sinh, giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế.
3. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với F0 đã kết thúc điều trị tại cơ sở y tế trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành gồm:
a) Giấy ra viện.
b) Biên nhận thu tiền ăn tại cơ sở y tế đã điều trị.
c) Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng sinh, giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế.
4. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với F1 đã kết thúc cách ly tại cơ sở cách ly trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành hoặc cách ly tại nhà gồm:
a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về cách ly y tế tại cơ sở cách ly hoặc cách ly tại nhà.
b) Giấy hoàn thành việc cách ly.
c) Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng sinh, giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế.
d) Biên nhận thu tiền ăn tại cơ sở cách ly đối với người đã kết thúc cách ly tại cơ sở cách ly.
5. Trình tự, thủ tục:
a) Đối với trường hợp đang điều trị, cách ly tại cơ sở y tế, cơ sở cách ly: Cơ sở y tế, cơ sở cách ly căn cứ vào hồ sơ quy định tại khoản 1, 2 Điều này lập danh sách (theo Mẫu số 08a, 8b tại Phụ lục kèm theo Quyết định này) đối với các trường hợp F0, F1 đủ điều kiện hưởng chính sách gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022.
b) Đối với trường hợp F0, F1 đã kết thúc điều trị, hoàn thành cách ly tại cơ sở hoặc cách ly tại nhà: Cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ em, các trường hợp F0, F1 gửi hồ sơ quy định tại khoản 3, 4 Điều này tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 01 năm 2022.
Trước ngày 05 và ngày 20 hằng tháng, Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, lập danh sách (Mẫu số 8a, 8b tại Phụ lục kèm theo Quyết định này) đối với các trường hợp F0, F1 đủ điều kiện hưởng chính sách, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Trong 02 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

c) Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ của cơ sở y tế, cơ sở cách ly hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh sách và chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
6. Cơ sở y tế, cơ sở cách ly, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chi trả đầy đủ các chế độ hỗ trợ đối với F0, F1, trẻ em đang điều trị, cách ly theo danh sách được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt (Mẫu 8c tại Phụ lục kèm theo Quyết định này).
 
Lên phía trên
Đối tượng được hưởng mức hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày cho người điều trị do nhiễm COVID – 19 (F0) hoặc cách ly y tế để phòng chống dịch COVID - 19
Câu hỏi:
Đối tượng được hưởng mức hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày cho người điều trị do nhiễm COVID – 19 (F0) hoặc cách ly y tế để phòng chống dịch COVID - 19 (F1) theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg có phân biệt là người lao động hay tất cả công dân?
Trả lời:

Theo Điều 25 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì đối tượng hỗ trợ là người điều trị do nhiễm COVID – 19 (F0) hoặc cách ly y tế để phòng chống dịch COVID - 19 (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tức là bao gồm tất cả người là F0, F1, không bị giới hạn chỉ những người lao động.

Điều 25 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg
Điều 25. Đối tượng hỗ trợ
Trẻ em (người dưới 16 tuổi theo quy định của Luật Trẻ em) và người điều trị do nhiễm COVID-19 (F0) hoặc cách ly y tế để phòng, chống COVID- 19 (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

 
Lên phía trên
Pháp luật hiện hành có quy định người sử dụng lao động (NSDLĐ) được quyền đuổi việc người lao động (NLĐ) vì lý do mắc Covid-19
Câu hỏi:
"Pháp luật hiện hành có quy định người sử dụng lao động (NSDLĐ) được quyền đuổi việc người lao động (NLĐ) vì lý do mắc Covid-19?"
Trả lời:
 
          Theo quy định tại điều 36 Bộ Luật Lao động năm 2019, NSDLĐ chỉ được đuổi việc NLĐ nếu có một trong 7 lý do sau đây: NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc; NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị mà khả năng lao động chưa hồi phục; lý do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền mà đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc; NLĐ không có mặt tại nơi làm việc trong thời hạn 15 ngày sau khi hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng; NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu, trừ có thỏa thuận khác; NLĐ tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên; NLĐ cung cấp thông tin không trung thực khi giao kết hợp đồng làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng.
          Đối chiếu với quy định trên, có thể thấy, việc NLĐ bị mắc Covid-19 không phải là căn cứ hợp pháp để NSDLĐ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Do đó, hành vi đuổi việc NLĐ vì nhiễm Covid-19 là hoàn toàn trái pháp luật.
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH LAI CHÂU
Địa chỉ: Tổ 16, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu
Điện thoại: (0213) 3792.111 - Fax: (0213) 3877.530
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây