Một số điểm mới về chính sách đối với lao động nữ quy định trong Nghị đinh 85/2015/NĐ - CP

Thứ sáu - 05/08/2016 04:36
Ngày 03 tháng 8 năm 2016 Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác nữ công năm 2016 cho trên 1.000 cán bộ công đoàn trong cả nước. Đồng chí Nguyễn Thị Thiện – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu. Thành phần tham dự Hội nghị tại điểm cầu Lai Châu gồm các đồng chí ban trong Tuyên giáo Nữ công LĐLĐ tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố, Công đoàn ngành.
    Trong chương trình tập huấn có nội dung triển khai Nghị định số 85/2015/NĐ-CP, ngày 1/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ.
    Nghị định 85/2015/CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2015. Nghị định số 23/CP ngày 18 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về những quy định riêng đối với lao động nữ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
Nghị định số 85/2015/NĐ-CP  gồm có 03 chương và 14 điều. Chương I: Quy định chung gồm có 05 điều (điều 1 đến điều 5); Chương II: Quy định cụ thể gồm có 06 điều (điều 6 đến điều 11); Chương III: Tổ chức thực hiện gồm có 02 điều (điều 12 đến điều 14).
Nghị định cung cấp những hướng dẫn chi tiết hơn cho các quyền và lợi ích nêu ra trong chương X của Bộ Luật lao động 2012, đồng thời bổ sung những điểm mới sau đây:
Ở Chương I, ngoài những nội dung như: phạm vi điều chỉnh (điều 1), khái niệm về người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ (điều 3), đại diện của lao động nữ (điều 4), quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ (điều 5), thì tại Điều 4 Nghị định 85 quy định rõ đại diện của lao động nữ trong các quy định liên quan đến nghĩa vụ của người sử dụng lao động tại Bộ luật Lao động 2012 cụ thể là: Trường hợp đã thành lập tổ chức công đoàn thì đại diện của lao động nữ là công đoàn cơ sở (khoản 1); 2. Trường hợp chưa thành lập tổ chức công đoàn thì đại diện của lao động nữ là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nếu được tập thể lao động nữ có yêu cầu. Trường hợp không có yêu cầu thì người sử dụng lao động lấy ý kiến của trên 50% lao động nữ tại doanh nghiệp (khoản 2).
Công đoàn cơ sở quy định tại Khoản 1 và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quy định tại Khoản 2 Điều 4 thực hiện quyền, trách nhiệm trong việc tổng hợp và phản ánh ý kiến của lao động nữ đối với những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ khi người sử dụng lao động tham khảo ý kiến. 
Chương hai của Nghị định 85 đã nêu rõ một số quy định cụ thể về chính sách đối với lao động đã được quy định tại Chương X của Bộ luật Lao động. Cụ thể: Bổ sung cho khoản 2, điều 152 Bộ luật Lao động năm 2012 về việc khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ, trong khoản 1 điều 7 nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định rõ: “Khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành”.
Về việc được nghỉ 30 phút trong thời gian hành kinh của phụ nữ (khoản 5, điều 155 Bộ luật Lao động năm 2012 ) được bổ sung trong điểm a và điểm c, khoản 2, điều 7 nghị định 85/2015/NĐ-CP: “Mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng; Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ 
Liên quan đến quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn HĐLĐ khi mang thai (Điều 156 Bộ luật Lao động năm 2012), được bổ sung chi tiết tại Điều 8, Nghị định 85/2015: “Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động, nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động”. 
Ngoài ra, trong nghị định 85/2015/NĐ-CP này cón có quy định mới về việc “vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc” phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động (chi tiết tại khoản 3, điều 3; khoản 4 và 5, điều 7 của Nghị định này).
Bên cạnh quy định về chính sách, quyền lợi cho lao động nữ, Nghị định 85 cũng đã nêu rõ những chính sách hỗ trợ, khuyến khích trong việc tạo điều kiện và có chính sách tốt cho lao động nữ của người sử dụng lao động. Điều 11 Nghị định 85/2015/NĐ-CP nêu rõ:  “Người sử dụng lao động đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa và các công trình phúc lợi khác, nếu đủ điều kiện về quy mô, tiêu chuẩn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thì được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa theo quy định hiện hành của Nhà nước về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường. Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động thì được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Luật nhà ở” (khoản 1 điều 11).
 

Tác giả bài viết: Mai Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết mạng nội bộ
Videos - Phóng sự
Có thể bạn quan tâm
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập38
  • Hôm nay9,851
  • Tháng hiện tại337,854
  • Tổng lượt truy cập17,998,458
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH LAI CHÂU
Địa chỉ: Tổ 16, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu
Điện thoại: (0213) 3792.111 - Fax: (0213) 3877.530
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây